7/29/2013

Chuyện giàu nghèo

Viết cái danh sách cho đã, hôm nay lại nghĩ đến một chuyện khác không có trong danh sách: Chuyện giàu nghèo. Viết chơi chơi chẳng qua cũng chỉ nói lên suy nghĩ, bản thân mình không thích phê phán ai hết, vì mình tự cho bản thân là trẻ người non dạ, chỉ dùng blog này để chia sẻ suy nghĩ thôi nên nếu có ai cảm thấy không vui vì những câu từ mình nói, vui lòng bỏ qua dùm nha.

Kẻ ăn không hết, người lần không ra.
Cứ lên mạng là thấy chuyện sao, chuyện nhà giàu, chuyện cô này đẹp, anh này hay, v.v… Quanh đi quẩn lại chỉ thấy toàn những sự xa hoa. Nói cho nhẹ nhàng là hào nhoáng , nói khó nghe là khoe mẽ. Ừ thì người ta có tiền, người ta có tiền khoe. Phải có những sự khác biệt, phải có những đẳng cấp giàu và nghèo thì mới hình thành nên một xã hội, vì xã hội này vốn đầy rẫy thị phi mà. Nếu không có người nổi tiếng, dù là thành danh vì có tiền hay có tài, thì làm sao có phóng viên, có nhà báo, có những người kiếm tiền trên câu chữ chứ, phải không? Thế nhưng, nghĩ đi cũng phải nghĩ lại.


Giàu hay nghèo, căn bản đều do bản thân mỗi con người tự đặt ra, tự định nghĩa. Một anh sinh viên nghèo từ dưới quê lên đi xe đạp cọc cạch, ăn ngày hai bữa hiển nhiên sẽ dễ dàng gán ghép cái mỹ từ phung phí cho một đứa bạn cùng lớp đi xe Air Blade, ăn ngày… sáu bữa (ăn xong là phải tráng miệng, cà phê cà pháo nữa chi). Nhưng cùng nhìn vào anh chàng sinh viên đi xe đẹp, dư dả tiền trà nước đó thì một công nhân viên chức đi làm sẽ chẳng dễ dàng cho là giàu có gì, nhiều lắm thì cho khá giả là cùng. Hiển nhiên, so sánh như vậy thì rất khập khiễng vì chuyện “kẻ ăn không hết, người lần không ra” là chuyện thường tình ở huyện bây giờ rồi, huống chi là đặt vào tùy hoàn cảnh của mỗi người sẽ còn nhiều nhân tố phải xét đến nữa rồi. Thêm nữa, con người mà, khó nói ai không có lòng tham hay ganh tị. Không nhất thiết là phải dữ dội đến mức chiếm đoạt những thứ không phải của mình, nhưng mà lâu lâu thốt lên một câu nói bâng quơ, một cái thở dài vào đầu tháng khi trả tiền nhà xong, hoặc cái tặc lưỡi, cái liếc mắt trộm, v.v…


Ở một góc độ nào đó, giàu chưa hẳn xấu, và nghèo cũng chẳng là tốt.
Ai chưa từng một lần thầm nghĩ, “Giá mà…” Ngay cả bản thân mình, đến cái tuổi này, không thể nào đếm được hết đã bao lần nói thẳng, suy nghĩ hay thầm ước bản thân có được thứ này thứ nọ. Cảm nhận của mình thì không cho nó là điều gì xấu xa, vì lòng tốt và đạo đức vốn không nhập nhằng gì mấy với việc mơ ước cả. Với lại, cho dù có là người không ích kỉ, “một người vì mọi người” thì đã sao chứ, thử hỏi, giữa guồng quay vật chất này, giữa riêng cái dân số Việt Nam gồm 88.5 triệu người (Nguồn: báo Tiền Phong đăng ngày 20/5/2013) thì có bao nhiêu người được như vậy. Chẳng phải mình cho là không có, nhưng e là hiếm, đâu phải ai cũng có thể sống mà không thèm muốn thứ gì khác cho riêng mình.


Ừ thì đó là cách nghĩ của người không có, vậy còn cách nghĩ của người có thì sao? Mình tự lấy bản thân ra làm ví dụ, mình đi du học từ cuối năm lớp 10, sống ở nước Mỹ, cái nơi mà nhiều người yêu mến đặt cho là “xứ sở văn minh” này đã 3 năm, khi nhìn lại, mình biết bạn bè mình cũng có nhiều thay đổi. Người học Đại học này, người thì đi du học ở nước kia, nhiều bạn giờ đã đi làm thêm, làm bớt, kiếm tiền phụ giúp gia đình thì chưa nghe ai mạnh miệng, nhưng phấn đấu để nuôi thân thì mình đã thấy mấy gương sáng rồi. Nhiều lúc, mặc dù bản thân không nói ra nhưng mình thầm ganh tị với các bạn ấy. Mình được ăn được học đến giờ này, không phải là không biết suy nghĩ, không biết đồng tiền kiếm cực khổ thế nào, vì mình giờ đây, đi làm cho trường, cũng có lúc phải đội nắng, đội mưa để hoàn thành công việc được giao, nên mình biết những bạn đã và đang đi làm phải cố gắng thế nào. Mình ganh tị ở đây là vì trong những bạn mà mình biết, mình nói chuyện, nghe được những trăn trở, hoài bão của họ, mình biết bản thân mình chưa làm được gì hết. Mình mỗi học kỳ đều phải ngửa tay xin tiền ba mẹ, phải gọi điện thoại đường dài để thông báo những chi phí phát sinh. Mình không thể chạy đôn chạy đáo xin việc làm được vì du học sinh không được phép đi làm. Mình không thể sà vào lòng ba mẹ nũng nịu hay cùng ngồi ăn một bữa cơm gia đình. Đối với mình, những thứ đó gần như là xa xỉ hóa. Mình biết có rất nhiều người đọc đến đây sẽ cho là con nít than vãn, vì đâu phải ai cũng có điều kiện cho con qua Mỹ, đầu tư vào sự học, huống hồ chi là mình còn được về Việt Nam, đâu phải là ở liền bên đây trong năm, sáu năm ròng. Ừ thì đúng, mình trân trọng những thứ mình đang có, mình biết ơn công lao sinh thành, nuôi dưỡng của ba mẹ, mình biết ơn những người đã bước vào cuộc đời mình, đã có ảnh hưởng đến mình, nhưng mỗi nhà mỗi cảnh, không ai có thể biết được những gì mình suy nghĩ, những khó khăn mình đã trải qua, những buồn vui mà trong lòng đè nén.

Giàu nghèo cũng chỉ là định nghĩa do con người đặt ra thôi mà.
Nếu cho rằng là mình thuộc diện những người “giàu có”, thì mình xin thưa là “người giàu cũng khóc” như ai thôi. Người giàu cũng biết đau, biết buồn, biết khóc mà. Con người được tạo hóa sinh ra, vui thì cười, đau thì khóc, chứ đâu phải mới sinh đã bắt buộc, “A, thằng này mặt mũi sáng láng, tính tình vui vẻ, cho nó vô gia đình khá giả, còn thằng kia đen thui xấu xí, đã vậy mặt còn hay nhăn nhăn, gia cảnh nghèo nàn là đúng rồi.” Đã là con người, ai cũng đã từng cười từng khóc, giàu hay nghèo âu cũng chỉ là cái định nghĩa của từng cá nhân, khó mà lấy làm thước đo cho cái Trái Đất mà có đến 7 tỷ người này lắm (Nguồn: Khoa Địa lý trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, số liệu năm 2012).


Dài dòng thế này, mình chẳng qua cũng chỉ mong mỏi người đọc blog của mình, trước khi thốt lên cái câu giàu nghèo, hãy suy nghĩ kỹ, vì không phải chuyện gì cũng như bề ngoài hết. Và thêm nữa, nếu biết bản thân mình không tránh khỏi có những ao ước ngoài tầm với, thì hãy cố vượt lên, vì bạn nên nhớ rằng, mặc dù dân số thế giới khổng lồ, khoảng cách giữa người này với người kia chỉ đơn giản là Sáu độ (Học thuật: Six degree of Separation bởi Stanley Milgram, xem thêm Nguồn), việc gì cũng có thể xảy ra được. Dù có sinh ra ở gia đình dư dả hay “vật vã”, cho dù cơ hội thành công có là 0.0001% đi chăng nữa, chỉ cần bạn tin tưởng và nắm bắt, mình tin bạn sẽ đạt được những gì mong muốn.








Nguồn:

1. Báo Tiền Phong (http://www.tienphong.vn/xa-hoi/627945/Dan-so-Viet-Nam-tren-885-trieu-nguoi-dang-gia-hoa-nhanh-tpol.html)
2. Khoa Địa lí trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (http://dialy.hcmussh.edu.vn/3cms/?cmd=130&art=1359336666979&cat=1359336662777)
3. Six degree of Separation – tạm dịch là Sáu độ khoảng cách là một học thuật được chứng minh bởi Stanley Milgram với ý chính là khoảng cách giữa hai người không quen biết là Sáu độ, chỉ cần đưa tên của hai người đó, thì dù ở xa cách mấy cũng có thể liên lạc được với nhau.

7/26/2013

Danh sách

Đằng nào cũng đã quyết tâm sẽ làm một cái blog đàng hoàng, thôi thì hôm nay lên kế hoạch và chủ đề rõ ràng, đồng thời sẽ viết xen kẽ cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt (hy vọng là Anh ngữ không đến nỗi quá lẹt đẹt... hix hà)

1) Chuyện du học
2) Chuyện tình cảm
3) Chuyện gia đình
4) Chuyện bà con lối xóm (chuyện bạn bè ý mà)
4) Chuyện nhân tình thế thái
5) Cuộc sống ở Mỹ
6) Lối sống khác biệt giữa hai đất nước (có thể về con người, về văn hóa)
7) Cuộc sống ở Việt Nam
8) Nhạc hay, phim hay, sách hay

Nếu ai có thắc mắc, vui lòng lên google tìm hiểu, tui không phải là từ điển sống, tin tưởng tui quá, tui nói gì sai, đừng đổ thừa nha. Dù gì thì tui cũng trẻ người non dạ, ngu lâu khó đào tạo mà.

Okay, bắt đầu từ ngày mai sẽ xem xét coi nên viết về đề tài nào. Bây giờ thì đi ngủ.