9/30/2013

Chuyện người lớn

Giữa cuộc sống bộn bề với tiếng xe ồn ào, tiếng cười, tiếng khóc đầy rẫy, khi mà con người quá bận rộn, có khi nào họ ngừng lại để nghe tiếng thở dài hay tiếng lòng gào thét?


Ai đúng ai sai liệu có quan trọng đến thế?



Blog 4: Chuyện người lớn
Bản thân mình là chưa hai mươi, chưa hoàn toàn trưởng thành để có thể chê trách lối sống của bất kỳ ai, nhưng đứng ở vị trí là một đứa con sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ ly dị, mình hiểu được phần nào tâm lý bị giằng xé bởi hai bậc sinh thành. Dù mỗi bản thân con người là một cá thể khác nhau và chúng ta được quyền chọn lựa những gì mà mình mong muốn, nhưng sự tự do ở vị trí này đồng nghĩa với trách nhiệm và bổn phận tương ứng với kết quả từ sự lựa chọn đó. Đừng đổ lỗi khi bản thân mình không sắp xếp được thời gian. Đừng nói yêu khi chưa thật sự sẵn sàng. Đừng hứa để rồi thất hẹn. Đừng sinh con để rồi không lo được cho đứa bé. Con nít không hiểu được sự phức tạp của thế giới người lớn, nhưng con nít có thể biết được người nào thương nó, người nào bỏ bê nó. Con nít không nhạy cảm, nhưng nó biết đau, nó biết khóc, nó có tình cảm chất chứa và ẩn đằng sau đôi mắt ngây thơ, cái miệng tía lia, và cái đầu hay ngúc ngoắc đó. 


Nói thế, mình muốn nhắn nhủ đã làm người lớn thì đừng vì tự ái cá nhân, đừng vì phút nóng giận, đừng vì ganh ghét, hận thù mà lấn sâu vào những sai lầm không đáng có, đừng để hành động thiếu suy nghĩ làm đau lòng con trẻ. Cuối cùng thì, một đứa bé, nó không cần biết đến việc ba mẹ nó có ngủ chung giường với nhau tối nay hay không, mà nó cần biết đến ba mẹ nó yêu thương, hy sinh cho nó thế nào. Một đứa trẻ không cần ba mẹ nó nắm tay nhau diễu hành trên đường phố, nhưng nó cần ba mẹ nó chăm sóc, quan tâm từng li từng tí. Sự phát triển của một đứa trẻ cần nhiều hơn là thức ăn và nước uống. Đừng nghĩ rằng nó không biết gì khi thấy ba đi cùng một ai khác hay mẹ sánh đôi cùng người nào, nó hiểu ngầm rằng có một sự thay đổi đã và đang diễn ra, nhưng ngoài việc khóc đòi ba mẹ ở cạnh, nó không còn biết phải biểu lộ thế nào cho phải, cho thuyết phục. Một khi con nít không biết được đường nào để đi, nó sẽ đi sai đường. Xã hội tiếc cho nó, ba mẹ nó trách nó, nhưng nhìn kỹ lại thì lỗi không hoàn toàn ở nó hay ở ba mẹ nó, thẳng thắn thừa nhận thì cả hai bên đều thiếu trách nhiệm, thế thôi.

Con nít bắt chước người lớn, nếu người lớn vô trách nhiệm, thì đừng trách con nít cãi lời hay hỗn hào. Gene có di truyền và ngay cả khả năng học hỏi thế nào cũng di truyền, nếu ba mẹ không noi gương cho nó, mà chỉ đơn giản đáp ứng những nhu cầu cơ bản như thức ăn và nước uống thì nó đâu nhất thiết phải có trách nhiệm với những tổn thương mà nó, dù vô tình hay cố ý, tạo ra cho mọi người xung quanh và cha mẹ nó. Mỗi một đứa bé đều có những mong muốn riêng, và có những thiết yếu vượt ra ngoài ranh giới của cái đói và no, nếu nó không nhận được đầy đủ mọi điều kiện tối ưu để phát triển, thì việc nó không phát triển, hoặc thiếu phát triển về thể chất hay tinh thần, suy cho cùng, không phải cội nguồn do lỗi của nó. 

Cháu yêu à, dì mong cháu sống thật hạnh phúc nhé!
Mình thừa nhận con người PHẢI mắc sai lầm trong cuộc đời và ly dị chỉ đơn giản là một hành động để sửa chữa hay cứu vãn thứ mà mỗi một con người có suy nghĩ đều đánh giá là chiếm một phần cực kỳ quan trọng trong cuộc đời: hạnh phúc. Thế nhưng đã biết nghĩ đến hạnh phúc cho mình, thì xin hãy nghĩ xa hơn, và nghĩ cho con trẻ. Sinh ra một đứa con đã khó, nuôi dạy nó còn khó hơn. Nếu biết thế, nếu đã chấp nhận số phận ban cho mình một sinh linh để yêu thương, để chăm sóc, thì xin hãy trân trọng món quà này của Tạo hóa, hãy sống có trách nhiệm và hoàn thành nghĩa vụ vì không ai khác mà chính bạn đã và đang chọn hướng đi này. Gia đình, công việc, tình yêu, đám cưới, con cái, những thứ ràng buộc và đòi hỏi trách nhiệm rất cao, nhưng nếu bạn chỉ muốn vui chơi và không muốn chịu hậu quả thì được thôi, bạn có thể sống ở ngoài lề đường và làm một kẻ vô dụng, mình không có ý kiến gì với sự lựa chọn này cả. Nhưng nếu bạn dám làm và dám nhận trách nhiệm, mình ủng hộ và mong bạn tiếp tục phát huy. Đường đời còn dài và còn nhiều gian nan, nhưng mình biết bạn sẽ luôn sống ngẩng cao đầu khi nhìn về phía trước dù sai lầm có đeo bám, vì bạn biết, mình biết, chúng ta đang sống trong hạnh phúc.

Cuộc sống rất ngắn, làm một kẻ tồn tại vô dụng hay một cá nhân sống có trách nhiệm, đó là tùy sự lựa chọn của bạn.


8/23/2013

Chuyện đồng tính


Điều quan trọng nhất giữa người với người là..
Tối hôm nay tính ngủ sớm, trằn trọc thế nào lại mò dậy viết blog. Chuyện của hôm nay là một chuyện khá thời sự, mặc dù bên nước Mỹ đã làm rầm rộ nhiều rồi, nhưng thiết nghĩ Việt Nam hiện giờ vẫn còn nhiều tranh cãi, là một người trẻ, mình cũng chỉ xin góp chút ý kiến vậy.

Blog 3: Chuyện đồng tính
-Ê, thấy nãy gì không, đàn ông con trai mà ẻo lả ghê. Dân gay đó, thấy gớm. Tao là tao chúa ghét mấy đứa đồng bóng đó. Thiệt là bại hoại gia phong.
-Tao thấy cũng bình thường thôi, mày làm quá làm gì. Người ta chắc có gì ẩn tình gì bên trong thì sao.
-Tao mà lỡ đẻ đứa con như vậy, chắc tao nhục lắm mày ạ.





Có thể bạn cho là người vừa thốt cái câu khinh miệt kia là ấu trĩ, và cũng có thể bạn đồng ý với người đó hoàn toàn. Đó là ý kiến của bạn, còn riêng tôi, thì tôi cho đó là cay độc.

Con người sinh ra không được chọn cha mẹ cho mình, cũng như không được quyền chọn lựa giới tính mình nam hay nữ. Xã hội thì khác, xã hội thì được quyền chọn cho mình lối sống phù hợp với xu hướng. Mà lối sống thì như những bộ quần áo, có người thích mặc Âu phục, có người lại yêu nét thanh lịch của áo dài, thi thoảng có ai buồn buồn theo trường phái tả thực không mặc đồ thì cũng chẳng chết ai. Đã là vật ngoài thân, như quần áo không thích cái này ta thay cái khác, nhưng là bản chất, bất di bất dịch thì không thể nói hôm nay “chỉ có đàn ông mới mang lại hạnh phúc cho nhau” rồi ngày mai chuyển qua “là con gái thật tuyệt” được. 


Tôi theo chủ nghĩa cá nhân, miễn làm sao không làm hại ai là được rồi. Sinh ra là nam, “có vòi phun nước tinh khiết” nhưng yêu thích trai đẹp thì đã làm sao? Đâu đã làm gì ảnh hưởng đến sự sinh sôi của cây cỏ? Và ngược lại, dù sinh ra có “chim bướm bay lượn”, nhưng lỡ thích gái sexy thì cũng chưa thấy có báo cáo nào nói là mấy đứa les làm chết dần chết mòn sự tồn tại của thiên nhiên hết á. Đành là đó không phải là do Tạo hóa vì đàn ông và đàn bà có thiên chức rất quan trọng là duy trì nòi giống, nhưng giữa cái thế giới rộng lớn này, dù chỉ tính dân số của người “thẳng đuột” thiết nghĩ cũng khá đủ để nối dõi rồi. Vả lại, người với người sống với nhau quan trọng nhất là cái gì, là cái tình cái tâm, hay cái bộ phận giữa hai chân kẹp lại? Thiết nghĩ, chuyện giới tính đó không quan trọng, biết thì tốt để cư xử với nhau cho phải đạo, còn không biết thì đó cũng là bí mật người ta, khơi móc ra cũng chẳng lợi lộc gì. 





Nhắc đến chuyện này, xin mượn tên những người nổi tiếng là bác Hoài Linh, chú Đàm Vĩnh Hưng, anh Dương Triệu Vũ và “bạn” Hoài Tâm, con bác Hoài Linh (gọi bạn vì chưa biết tuổi, đoán chừng bằng hoặc nhỏ hơn nên gọi bạn cho dễ). Những người này đã từng bị dính nghi vấn đồng tính, và ngay cả Hoài Tâm, dù tuổi nhỏ nhưng cũng đã từng bị báo chí nghi ngờ liệu có thật là con bác Linh hay không. Hiện tại, tôi chưa đọc được lời tuyên bố của bất kỳ ai ở trên về giới tính cả, nhưng tôi cho rằng có hay không có, người nổi tiếng cũng chỉ là con người thôi mà. Hỷ, nộ, ái, ố, họ cũng phải trải qua, đã vậy, mãnh lực của danh lợi lấy đi ít nhiều những gì thuộc về riêng tư nên họ càng dễ bị suy xét dưới cặp mắt người hâm mộ. Ừ thì nhà báo không có lỗi, vì nhà báo chỉ kiếm miếng ăn từ khán giả, và khán giả thì lại càng không có lỗi, vì có yêu mến, có để tâm mới chú ý, mới quan tâm đến những khía cạnh nhạy cảm của người nghệ sĩ chứ. Nếu cả ba bên đều không có lỗi, thì chi bằng mỗi bên nhường nhịn một tý. Chỉ cần người hâm mộ trân trọng những cống hiến của người nghệ sĩ, và không xem trọng chuyện hậu trường, thì báo chí sẽ không tập trung khai thác về scandal, chuyện to chuyện nhỏ chuyện lớn chuyện bé chuyện trong nhà ngoài phố chuyện mặt tiền lẫn ngõ hẻm, và người nghệ sĩ sẽ có cuộc sống dễ thở hơn, tạo điều kiện thăng hoa trong công việc thay vì đi ngồi lê đôi mách nói dài nói dai nói dở (ẹc). 

Nói thì dễ, làm mới khó, vì chuyện chướng tai gai mắt trên đời do một vài phần tử như Quân kun sịp vàng không thiếu, “một con sâu làm rầu nồi canh” thì khó tránh sao những cái nhìn thiếu thiện cảm, nhưng thoáng một chút thì người đồng tính họ cũng đang chịu nhiều thiệt thòi, người thông cảm thì ít mà kẻ khinh khi thì nhiều. Tôi nghĩ đơn giản, nếu một giọt nước có thể cứu được một kẻ chết khát thì một lời cay nghiệt cũng có thể giết người, vậy thì hà cớ chi phải làm đau lòng nhau?




Mượn câu này của Mae West kết thúc bài blog, 

“You only live once, but if you do it right, once is enough,"
tạm dịch “Bạn chỉ sống được một lần, nhưng nếu bạn sống đúng, một là đủ rồi.”





Chú ý: Những người mình nêu trong blog này chỉ lấy làm tính ví dụ, mình không quen biết với người nổi tiếng, nên có thể thông tin mình nêu lên không chính xác, vì đa phần là mình chỉ đọc từ báo mạng mà thôi, ha.



8/08/2013

Chuyện ở ... ké

Bài blog thứ nhất nhận được phản hồi là viết văn còn lủng củng, đề nghị sửa lại. Ừ thì cơ bản là đầu óc mình dạo này như ở trên mây đó, nghĩ gì viết đó, không thèm chỉnh sửa nên kết cấu chẳng có chút nào là liền mạch hết. Thôi, lần này chịu khó rút kinh nghiệm vậy. Mong mọi người thứ lỗi cho blog 1 nhá. Blog tiếp theo này mình tiếp nối về chuyện xã hội, nhưng ở khía cạnh của người đi ở nhờ.




Blog 2: Chuyện ở nhà… người ta

Ai đã từng đi ở ké người khác, ắt cũng hiểu được, chẳng phải dễ dàng gì. Ngày còn thơ bé, mình cũng đã từng qua ở nhờ nhà người bác để giảm ốm. Cơ mà ốm thật… ốm được một năm rồi mập lại. Mỗi nhà mỗi cảnh. Ngày xưa ở với ba mẹ, ăn cơm có khi còn làm nũng kêu ba xé thịt gà cho ăn, quần áo nhờ mẹ ủi, qua nhà người ta rồi, đồ phải giặt tay, ăn xong phải tự rửa chén, vận động nên phải xuống cân thôi. Ừ thì chuyện thường tình mà, ai chẳng thế phải không. Ở được chẳng bao lâu, gia đình thương quá, lại đón về, vỗ béo tiếp, riết rồi nghe đâu cũng ú nu lại. Đến là uổng công gia đình bác giúp ốm bớt.

Nhưng cũng hên, khi ở nhà bác mình, mình có gì sai trái, là người thân nên gia đình bác mình du di cho qua hết. Bây giờ lớn lên đi ở nhà người xa lạ, chuyện tha thứ thiệt tình khó nói lắm à nha.

Năm lớp mười, mình được cái học bổng trao đổi văn hóa, thế là tí tửng xin ba mẹ đi. Ba ngăn cản, sợ mất đứa con gái yêu cho cái xã hội văn minh nhưng cũng lắm cạm bẫy. Mẹ giấu ba, bấm bụng làm giấy tờ đưa con đi. Ngày ra phi trường, mọi người giấu ba, cứ hối thúc mình đi cho mau kẻo ba nghe tin, dằng về thì mất cả cơ hội bay với nhảy. Mình đi rồi, ai nấy khóc như mưa, bảo nhớ lắm, nhưng lúc ấy cũng lực bất tòng tăm. Thân con gái một mình giữa cái đất nước xa lạ, nhìn đâu đâu cũng toàn người Tây, có lúc thèm nghe tiếng Việt chảy nước mắt. Nói là nói vậy, cũng gặp người tốt, người ta giúp đỡ mình tận tình lắm, chả sai vặt gì nhiều vì mình thà… tự nguyện làm chứ không muốn bị kêu. Với lại, lúc ấy bơ vơ, chẳng biết bám víu vào ai, nhìn thấy chút thương hại của người ngoài, như người chết khô gặp chén nước mát, có ai mà không níu lấy chứ. Năm đó, vui nhiều nhưng buồn cũng nhiều. Người trong nhà còn có khi cãi cọ ỏm tỏi, huống gì là người ngoài, không chút ruột thịt, dù giọt máu đào có tuôn, dù lệ rơi có nhòa mắt, cũng chẳng hơn gì cái chén vỡ, tiếng mèo gào. Cũng may là năm đầu,  mình còn ngốc nghếch, chưa hiểu chuyện, nỗi buồn cũng chưa dai dẳng mấy.

Rồi năm hai, năm ba, cũng ở đó với người ta, mình quen với việc nhìn mặt đoán ý, chủ nhà mà không vui thì biến ngay, lăng xăng có khi lĩnh đạn oan uổng. Tính mình có khi cũng nóng nảy, dằn không được cơn giận, lỡ có chuyện gì cũng chưa đủ bản lĩnh để cắp dép ra khỏi nhà được. Hên là từ đó tới giờ, mình ít khi tỏ vẻ hỗn hào nên cũng chưa xảy ra nhiều chuyện, mặc dù chuyện bằng mặt nhưng lòng chẳng yên thì như cơm bữa. Lần đầu mình nhủ thầm thôi kệ, mình nhỏ, người ta lớn, hơn nữa, lớn đến tuổi bà ngoại mình lận, chịu khó tý cho êm nhà cửa. Lần hai, lần ba,… rồi lần thứ n, mình quen luôn với việc im lặng khi nghe người ta đá xoáy, quen luôn với việc … nghe tai này bỏ tai kia. Người ta điên lên, bảo là này thì không lễ phép, không nghe lời, này thì chống đối, dọa thẳng tay, chỉ thẳng mặt mình rằng một lần chọc tức nữa thì tao bỏ mày ở sân bay, liệu mà kiếm đường về, này là tao đây là nữ hoàng, mày chỉ là con tôm con tép, tao không vui thì mày cũng chẳng được quyền cười cợt. Riết rồi mình cũng chỉ biết cười trừ, coi như chuyện qua đường, vì lòng kiên nhẫn nay chỉ còn sự vô tâm, vô tâm đến mức ở cùng một nhà thì cũng chỉ xem người xa lạ, lâu lâu chịu khó làm mấy chuyện lặt vặt để người ta đừng gây sự vô cớ với mình là tốt rồi. Nhưng mà nói gì thì nói, hôm trước mình skype với người bạn thân, họ nói mắt mình giờ sâu hơn ngày xưa, nhìn u uất.



Sống thế đó, cuối cùng cũng chỉ vì đi ở nhà người ta, chẳng phải nhà mình. Đi xa rồi, ở với người lạ rồi, phải học làm cái này làm cái kia mua vui cho người mà mình không chung dòng máu, trong khi cha mẹ thì chưa phụng dưỡng được một ngày nào. Nói theo tiếng Tàu thì không tới mức đại nghịch bất đạo, nhưng cũng bất hiếu. Ngày xưa, có khi ba mẹ trách mắng, mình còn trả treo lại, ở với người ta, nói một câu phải suy nghĩ một câu, lỡ nói hớ một cái gì thì mất mặt là chuyện nhỏ, người ta chửi đổng là ba mẹ chẳng biết dạy con, nghe mà ê chề, nhục nhã biết bao nhiêu. Tránh được một lần, chẳng tránh được cả đời. Một ngày không làm sai thì dễ, nhưng ba năm trời, khó tránh chi lỡ lầm. Thêm nữa, dân gian hay có câu, "Một lời nói ra, xe lớn bốn ngựa đuổi không kịp" (“Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy”). Ai từng đi ở nhà người khác, chắc cũng hiểu nỗi lòng này.

Viết tới đây, bạn tinh ý cũng hiểu rằng ở nhờ ké người khác là chuyện bất đắc dĩ, vì ở đâu cũng chẳng hơn nhà mình. Còn được sống trong vòng tay ba mẹ yêu thương, bà con chòm xóm, thầy cô bạn bè, tất cả đều là những điều nên tự hào, đừng vì một phút nông nỗi mà cãi cha mắng mẹ để rồi tự ái dâng trào bỏ nhà mà đi nha. Mình đồng ý là đến tuổi lớn phải tự lo cho bản thân, phải đi đây đi đó để học hỏi, mở mang đầu óc, để thiên hạ không dèm pha là đồ não phẳng, đầu óc ngu si tứ chi phát triển, để có thể tự nắm bắt tương lai, sau này còn lo được cho bản thân, cho gia đình, NHƯNG trước khi đi, hãy nhớ một điều, gia đình luôn đứng sau bạn, dù ở nơi nào, bạn phải vững tin là mình còn một nơi để về. Cho dù thế gian có chuyện gì xảy ra, bạn là máu là thịt, và máu thịt thì luôn đặc hơn nước lã.