6/28/2013

Sự điều khiển hay là đè nén?

Control


***WARNING: Mình báo động trước là bài này sử dụng lời lẽ khá cay độc. Nếu bạn không thích nghe mình chửi người khác thì bạn không nên đọc bài viết này vì mình viết lên những lời này là khi cơn giận đang bốc hỏa trên đầu, câu chữ tuôn ra không ngừng nghỉ, mà mình lại không thích xóa đi hay chỉnh sửa bài viết này nên mình muốn nhắc nhở trước bạn nào muốn đọc ý mà. Mình đếm 10 giây, bạn không thích đọc bài này thì chuyển qua cái khác nhé.

1.
2.
3.
4.
5.
6.
7.
8.
9.
10.

Cái cảm giác khốn nạn nhất không phải là bẽ mặt.
Cái cảm giác khốn nạn nhất là khi bạn chìm đắm với nhiều sự kiện (mà chủ yếu là do bạn muốn bận rộn để bạn không có thời gian suy nghĩ), bạn đòi hỏi vài giờ nghỉ ngơi, và cái giây phút bạn ngả đầu xuống thư giãn thì người bạn ghét nhất (thứ mà bạn ban đầu lẩn tránh) lại hiện lên trong tâm trí.

Đó là cái cảm giác khốn kiếp thật sự. Ít ra là với tôi.






Tôi luôn thích nghĩ mình là một con chim. Chim bay trên trời. Đơn độc, kiêu hãnh. Cái gì người ta không có thì người ta mong mỏi. Sô đời là thế.Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng tôi không là chim, tôi là người. Người thì chịu nhiều ràng buộc. Tôi và bạn, sống và chết, sáng và tối, liệu có gì khác biệt? Chúng ta đều bị trói chặt bởi những điều vô hình, những điều mà không ai nói ai biết, chúng ta đòi hỏi người khác phải thế này thế nọ, nhưng tất cả những gì thể hiện chỉ là sự im lặng khi người đó làm ta phật ý. Và tôi, không những im lặng, mà còn phải cười nói, phải giả lả, phải xem như mình không quan tâm.


Câu hỏi mà bạn sẽ nói tiếp theo tốt nhất đừng là tại sao, vì câu trả lời luôn luôn chỉ có một: sự đè nén (control). Bạn nén lòng chở tôi lên máy bay, bạn nén lòng không cấm đoán quyền tự do của tôi, bạn nén lòng chiều ý tôi. Tôi không biết nên nói với bạn thế nào nữa, đồ ích kỷ à. Ừ thì tôi đéo có quyền gì hết đối với bạn, nhưng lịch sự và biết ơn không có nghĩa là cho bạn ra oai, cho bạn cái quyền muốn kiểm soát tôi. Bạn biết không? Tôi không cần bạn. Chính xác hơn, tôi thương hại bạn ghét bạn cùng một lúc. Sự giả dối đắp dưới cái mặt nạ ân nghĩa làm tôi phát ói. Cuối cùng thì bạn, cho dù có tự đưa mình lên cao đến mức nào, có tự ví von mình là con sư tử thì sức lực cũng chỉ là một con cáo nhãi nhép, và, e hèm, bất tài là đằng khác.

Tôi tiếc cho khoảng thời gian tôi chần chừ, khoảng thời gian tôi lưỡng lự khi tôi nghĩ về người bạn trai cũ, cũng như bất kỳ lúc nào tôi cho phép người đó chiếm giữ trí óc mình. Nhưng tiếc nuối đến mức nào đi nữa thì tôi vẫn yêu cái ký ức đẹp đẽ của 3 năm trước. Cho dù thỉnh thoảng tôi vô tình bắt gặp mình gặm nhấm nhớ nhung và thèm muốn tình cảm, tôi vẫn yêu những khoảnh khắc dại khờ đó. Còn bạn, khi tôi nghĩ đến bạn, đó không phải là một cảm giác khốn kiếp, chỉ đơn giản là khinh bỉ và tiếc nuối. Tôi tiếc cho cuộc đời bạn, tiếc cho cái bộ não hoàn toàn nhớp nhúa của bạn, và điều thú vị là bạn không hề biết tôi nhìn bạn với cặp mắt xem thường chứ không phải vô tâm, ngày qua ngày. Bạn à, tôi phải sống với sự thật là tôi bị ràng buộc, và một trong những mối buộc chặt nhất là bạn và cái bản tính lười biếng của tôi, thì tôi nghĩ bạn cũng nên nhìn lại mình và sống thoáng đi. Bạn cho mình là đệ nhất khi chưa tới đệ tam thì số phận bạn có ngặt nghèo cũng chỉ là do bạn. Cơ hội, công danh, tiền bạc, bạn ghét nó bao nhiêu thì bạn càng sợ và cần nó bấy nhiêu. Giống như một người tình cũ đã từng ăn ở chung nhưng không còn mối liên hệ, bạn giữ khoảng cách và đề phòng quá đáng. Bạn đóng cửa trước mặt những gì mà bạn cho là không tương xứng thì thứ tốt hiển nhiên sẽ không đến với bạn rồi, đệ tam.


Tình thương tôi dành cho bạn chỉ còn là thương hại, và vì bạn không có khả năng điều khiển đầu óc tôi, bạn tốt hơn hết nên để tôi tự chọn lấy những gì mình muốn nhé. Đồ khốn kiếp, ích kỷ, và giả dối.






Note to self: Nực cười là khi không ở cạnh bạn, cái cách giao tiếp mà bạn đã dạy tôi lại làm tôi, vô tình, ngã vào cái bẫy của chính mình khi đòi hỏi người khác NÊN làm thế này thế kia. Chúc mừng bạn, tôi một phần nào đó bị bạn tẩy rửa và chuyển đổi rổi đó. Bạn ném đá giấu tay hay vô tình gieo rắc thế hả, đồ mặt nạ? Nên nhớ, tôi không là chim và bạn cũng không là sư tử.


6/15/2013

Danh tính

Identity

Bạn đã bao giờ tự hỏi bạn là ai? Ý tôi ở đây không nói đến tên của bạn, nghề nghiệp của bạn, hoặc thậm chí nơi bạn ở, tôi muốn nói đến là người ở bên trong bạn, người duy nhất thực sự chính bạn.

Tôi đang đi tìm câu trả lời cho chính mình. Ngày qua ngày, tôi thức dậy, ra khỏi giường, nhìn vào gương, và đi qua một chuỗi công việc hàng ngày, nhưng tôi chưa bao giờ tìm ra mình là ai. Tôi sống một cách vô thức mà không biết rõ đến danh tính chính mình. Hiển nhiên là, tôi có thể cho bạn biết tên của tôi, số an sinh xã hội, về cuộc sống mình, và cả về chuyện tôi sang Mỹ, đối phó với sự khác biệt văn hóa, và ngay cả lý do chọn trường đại học mà tôi đang sắp đóng học phí. Tôi thậm chí còn có thể cho bạn biết quan điểm chính trị và tôn giáo của tôi.
Nhưng trên tất cả, đó là cách mọi người định nghĩa tôi, là những gì xã hội nhìn tôi. Khẳng định là không thông tin nào thiếu trung thực, chỉ là tôi không bao giờ thấy mình hoàn toàn đồng ý khi ai đó lên tiếng định nghĩa về con người tôi. Mọi người nhìn thấy tôi là người Việt Nam, nhưng tôi yêu nước Mỹ và bất cứ điều gì tạo nên sự độc đáo của nơi đây. Mọi người nhìn thấy tôi là một cô gái sống nơi thị trấn nhỏ, nhưng tôi cũng yêu ánh đèn lớn và sự nổi tiếng nơi thị thành ngang với giày cao bồi và sự đơn giản của người dân quê. Mọi người nhìn thấy tôi ở trong nhà đọc sách và xem truyền hình, nhưng nó không có nghĩa là tôi không đi ra ngoài và vui chơi với bạn bè . Chỉ là, có rất nhiều điều cá nhân tôi yêu mến nhưng lại không có chỗ để phát triển tại đây. Tất cả mọi người nói rằng cuộc sống này đầy tính phiêu lưu mạo hiểm, nhưng đáng buồn thay, tôi không thể tìm thấy bản thân mình ở trong cộng đồng xinh đẹp này. Và đáng tiếc hơn nữa, càng chôn vùi tuổi thanh xuân của mình ở trong cái nơi nhỏ hẹp này, tôi dần dần đánh mất những thứ gì tôi từng yêu mến và không thể sống thiếu.

Tôi suýt quên đi rằng tôi mới 19 tuổi, cái tuổi trẻ mộng mơ, như một cây non đang nhú chồi lớn lên. Tôi đã nghĩ đến việc đi làm, lấy chồng, sinh con như một người phụ nữ. Tôi đã nghĩ đến viễn cảnh nấu ăn cho chồng, săn sóc cho con thơ, và nuôi dưỡng cha mẹ già. Mười chín, đôi khi tôi phải nhắc nhở mình rằng sự khôn ngoan đang dối lừa trí óc tôi, để tôi nhìn chính mình ở cặp mắt của một người phụ nữ, của một cái cây không lớn, nhưng đủ để che chắn cho những mầm non khác. Tôi thừa nhận, tôi sợ hãi, nhưng ai lại không sợ hãi. Chỉ có ba năm sống trong gia đình này, một năm đi học ở cái trường đại học mà tôi đã nghĩ mình đủ lớn. Nói thật với bạn, nếu ý nghĩ này có một hình dạng nhất định, tôi sẽ giết nó. Tôi thay đổi đến mức tôi quên rằng mình yêu thích sự mới mẻ, sự tìm tòi, điều mà tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ quên. Nếu bạn bè tôi không nhắc nhở rằng tôi vẫn muốn đi nhiều nơi, biết nhiều điều, và ở một chỗ không giúp ước mơ của tôi thành hiện thực thì chắc giờ này tôi vẫn còn đắm chìm trong một cái tương lai ảo do mình tự vẽ nên. Ừ thì sẽ có những thay đổi, sẽ có những lần nhìn vào gương nữa, sẽ có những lúc thức đêm suy nghĩ, sẽ có những thắc mắc về danh tính của bản thân, nhưng biết đâu lần ấy sẽ xuất hiện vào 8,10 năm nữa khi ý nghĩ ngừng cuộc chơi và gia đình nhỏ không còn quá lạ lẫm. Tương lai trong tay ta, và miễn sao nó là một chuỗi kết quả của những lựa chọn bây giờ thì tôi sẽ bình ổn thôi. Ừ, dù gì thì mọi thứ cũng sẽ qua.

6/14/2013

Thư gửi mẹ



Cái này hơi off track một tý vì mẫu hậu yêu cầu có một lá thư gừi cho bà. Vậy nên, đọc nhá.














ngày 14 tháng 6 năm 2013


Thư gửi mẹ


“Con hặn mẹ!” Câu cửa miệng mà con hay nói mỗi khi mẹ chỉ cho con những cái hay mà khi lướt qua sự việc con đã vô tình bỏ quên.


Trong những câu chuyện mà mẹ kể cho con nghe, đa phần đều liên quan đến những người quen thuộc hay họ hàng, mẹ không bao giờ nói với con rằng họ đúng hay sai, nhưng mẹ yêu thích cái việc hỏi ngược lại để nghe xem con nghĩ gì. Con tìm thấy trong cái sở thích của mẹ có gì đó trẻ con, có gì đó châm chọc, và có gì đó mang tính cứng nhắc. Mẹ biết thừa trong đầu con nghĩ gì, bởi vì sự thật nghiệt ngã là con làm từ dòng máu của mẹ, và mẹ biết là càng trưởng thành, con càng có lối suy nghĩ giống mẹ. Chưa hoàn toàn là y đúc hẳn, nhưng có thể như thần giao cách cảm, cái gì người này nghĩ thì người kia cũng chầm chậm ra đáp án. Con biết mẹ muốn con phân tích lý do tại sao những câu hỏi ấy cường điệu, mỉa mai và ngờ nghệch, con sẵn lòng cho mẹ biết rằng vì con giống mẹ quá, con biết thừa mẹ đang nghĩ gì, mẹ chỉ đơn giản muốn con diễn đạt lên những gì đang diễn ra bên trong thần kinh mẹ thôi. Chẳng khác gì cái trò chơi của những đứa con nít. Mẹ bảo nói “hoa” đi con chỉ để trông chờ cái miệng bé xinh xắn ấy thốt lên “phong lan”. Trò chơi vô cùng dễ thương, nhưng quá đơn giản để mẹ và con, một lớn một bé, đùa giỡn.


Nói là nói thế, con không nỡ lòng nào phá hoại đi cái trò chơi ấy của mẹ, vì con biết khi trong lòng ngổn ngang với những sự việc không tên, với những câu chuyện không đầu không đũa, nói ra là một cách giải thoát. Và hiển nhiên, mẹ cũng muốn biết trình độ con tới đâu, nước Mỹ đã làm “bại hoại” con đến mức nào rồi. Có nhiều việc trước đây con không hiểu, nhưng du học đã 3 năm, xa gia đình cũng bấy lâu, con biết được có những điều mẹ không cần phải nói, nó ẩn kín sâu đâu đó đợi chời người ta nhận ra sự tồn tại, để rồi tan biến vào cõi vô hình.


Con hặn mẹ! Đơn giản vì con không đủ can đảm nói ra cái từ “hận” và cái từ “khâm phục” ẩn ý bên trong đó. Mặc dù mẹ không ở bên con, con cảm nhận được sự hiện diện của mẹ, rõ rệt như là đang theo dõi con vậy. Ánh nhìn hiền từ, nhưng vô cùng cẩn trọng. Nói thật nha mẹ, con sợ lắm, con sợ làm sai, con sợ phải nhìn mẹ buồn, con sợ phải chạm vào cái phần gai góc xù xì của mẹ, con sợ phải đối mặt với chính tội lỗi của mình. Con biết ngay cả bản án tử hình cũng không nặng nề bằng việc mẹ từ con. Mẹ đừng cười, đừng cười con ngốc nghếch, đừng cười con cường điệu hóa vấn đề. Con biết con có khả năng làm gì mẹ à, và con sợ cái khả năng đó lắm. Con không biết khi nào con sẽ sa ngã và khi nào con sẽ chạy đến níu lấy chân mẹ. Con sợ cái viễn cảnh đó, cái tương lai đó. Nói trắng ra một điều, con sợ thất bại.


Du học không phải dễ, nhưng cũng không khó. Hai năm đầu đối với con đã là quá khứ và sự nhớ nhà chỉ còn là, thành thật mà nói, một cảm xúc phai mờ. Con tìm đến nó khi con cô đơn, khi con nhận được những lời nhắc nhở vào dịp lễ, Tết. Nó bảo con rằng, “Na à, mày nhớ không? Hồi đó, khi đó, mày vui biết bao nhiêu!” Thế nhưng, ngày ấy trôi qua, con lại bắt đầu với công việc của mình, con lại la cà, con lại vô tâm, con lại quên đi mất bao nhiêu người đang trông ngóng và nhớ đến con. Lúc đó, cái tôi ích kỷ của con bảo rằng, “Mày biết là gia đình mày cũng chẳng phải đẹp đẽ mấy đúng không?” Con không đấu tranh xem con nên nghĩ thế nào, hành động thế nào, con cứ để mặc những sự việc xảy ra đó, và con biết, vết thương lòng của con mãi mãi không bao giờ lành được, vì con chấp nhận vết thẹo chứ không chịu xức thuốc đắng vô (nếu đối mặt là một chuyện dễ dàng thì chắc thế giới này đẹp lắm). Và khốn nạn thay, con biết mẹ cũng đang làm điều đó. Mẹ cứ để vết thương dày vò bản thân, để da non ngứa ngáy, để rồi mẹ đứng dậy và tạo nên hình ảnh của người anh hùng. Mẹ biết không, con “hặn” mẹ cũng vì điều đó. Rồi con nhận ra, con cũng đang làm vậy, và con tự hỏi, “Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra!” để rồi con đau đớn nhận ra sự thật rằng con và mẹ, hai thành phần của xã hội, đang bị nó chi phối.


Những ràng buộc, những bải giảng đạo đức, những nề nếp, những sự cố chấp của con người dìm ép tiếng nói của mẹ con mình, bắt ta phải im lặng, phải gánh chịu, phải đau khổ. Mẹ biết, ba năm ở xứ người chỉ để nhận ra rằng cái gia đình mình yêu quý, những người mà mình kính trọng, tất cả đều có chút gì bất bình thường trong đầu. Ngay cả con, cái đứa được trông chờ và hy vọng, lại là cái đứa bất bình thường nhất. Học thức là một cô nàng đẹp đẽ, nhưng càng biết nhiều, càng hiểu cô ta rõ, mẹ nhận ra rằng phiền muộn tăng lên chứ không giảm xuống. Tất cả mọi thứ trên đời là con dao hai mặt, đôi khi hiểu nó càng rõ, càng dễ coi thường và cắt đứt tay mình. Con học được điều này đó mẹ.


Mẹ này, con “hặn” mẹ thế, có khi nào mẹ “hặn” con không? “Hặn” vì con nhận ra được mặt trái của cuộc đời, “hặn” vì con không hoàn hảo, nhưng con 96% gần với sự hoàn hảo. Mẹ có “hặn” điều đó không?


Chúc mẹ vui khi suy nghĩ về điều này,


tl

6/11/2013

Nỗi đau

Pain!

Khi tôi sinh ra, có một ông thầy bói đi ngang qua nhà và chúc mừng ba mẹ tôi cũng như thông báo rằng tôi sẽ thành công nếu được dạy dỗ cẩn thận. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời nói rằng nếu không được chăm bón tốt, tôi sẽ trở nên vô cùng tệ hại. Vô cùng tệ hại.
Tôi luôn tự hỏi rằng, liệu tôi, tính đến thời điểm này, có được gọi là người tốt trong cái cách mà ông thầy bói nửa mùa đó dự đoán ngày xưa hay không.

Bà già host nhà tôi ví von rằng tôi là một con gấu, với một tâm hồn mạnh mẽ và rất thích ăn uống. Có gì đó nực cười ở đây không nhỉ? Nickname của người mà tôi đang cố quên lại là Gấu Mập, và giờ tôi lại là con gấu. Còn chị tôi thì lại là một con chim, một con chim yếu đuối, đang bay giữa trời mưa, đang khóc thảm thiết khi từng con gió cứ tới tấp đập tan nát đôi cánh xơ xác đó. Một linh hồn lạc lối, tội nghiệp.
Ừ thì đúng là chị tôi “hiền”, chị tôi bị thằng chồng khốn nạn của chị ấy tẩy não, và sự thật đúng là chị ấy chưa chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và trách nhiệm của người vợ bị phũ bỏ, của người mẹ đơn thân. Tám năm là một thời gian dài để chị tôi quen lấy cái nếp sống tồi tệ và bất bình thường, để chấp nhận cái sự lệch nhịp đó và lầm tưởng cho nó rằng sự thỏa hiệp của hôn nhân.
Tôi xin lỗi, vì tôi đang cười, cười thật to vào cái sự yếu đuối ấy.


Chị à, khóc làm gì, buồn làm gì. Khóc cho chị, khóc cho cái tuổi thanh xuân bị chôn vùi suốt 8 năm ấy và cái hồn nhiên tươi trẻ ngây ngô đến ngốc nghếch của chị bị xâm lấn và vấy bẩn vì thằng cha ấy đi. Khóc to lên. Khóc nhiều vào. Khóc xong rồi thì chị đứng lên ngay cho em. Phủi hết những vết bẩn ấy đi. Nếu có bất kỳ ai hoàn hảo, họ có quyền lên tiếng, có quyền tội nghiệp cho mình, chỉ trỏ những sai lầm cho mình thấy. Còn nếu họ cũng có những khi trăn trở, những khi căm giận, những khi tội lỗi, họ nên dành lòng thương hại đó cho chính bản thân mình trước thì hay hơn. Em thương chị, cả nhà thương chị, con bé con của chị cũng thương chị. Chị có danh dự, với lấy nó mà sống, chị nhá.


Tôi thừa nhận, tôi mắc sai lầm. Nhiều. Nhưng tôi không ôm lấy nó mà sống, không rấm rứt tức tưởi, tôi nuốt nó vào lòng. Tôi không hư, tôi chỉ không ngoan. Ngoan là một từ mà xã hội sắp đặt, là từ mà xã hội định nghĩa. Tôi là người, mà khốn nạn hơn, tôi là phụ nữ. Tôi có thể chịu đựng đau khổ, và tôi cũng có thể tạo ra đau khổ. Tôi nhạy cảm, nhưng lại có thể vô cùng dửng dưng. Tính tới bây giờ, tôi cũng không biết tôi là gì nữa, nhưng duy một điều tôi chắc chắn, tôi có một sự kiêu hãnh (thứ mà giờ đây hiếm gặp) cho tôi bóc lột từng ngày từng giờ trong cái bộ não tí tẹo của mình, và nếu bạn cố tình định hình tôi, một ngày nào đó, bạn sẽ thấy tôi không hoàn toàn là 100% những gì bạn nghĩ.

Thế nhưng, tôi còn trẻ, tôi có quyền thay đổi, tôi có quyền chờ ngày móng vuốt mạnh khỏe, còn chị tôi thì không. Một con chim trưởng thành nhưng lông móng tưa ra thì không hay không đẹp không đáng yêu một tý nào. Thế nhưng, nếu tôi không để những căm tức của mình về chuyện của chị đi cho nhẹ lòng tôi thì tôi làm gì đây? Đâu thể nào kêu người khác thay đổi hay chửi đổng được.

Ôi không! (lấy tay bụm miệng) Cái kiểu cách nói này không phù hợp một tý nào cho con bé như tôi, nhưng tôi phải làm gì khi tôi không thể gào thét lên với chị mình được. Kết thúc là một sự bắt đầu mới. Không có gì to tát. Rồi một ngày nắng đẹp sẽ đến, khi chị sánh vai với một người yêu chị tha thiết. Cố lên, khóc để rồi đứng dậy và học từ sự ngu muội của mình để yêu bản thân mình hơn, để hiểu rằng đời vẫn đẹp. Boom! Không còn dấu vết. 

Giờ thì cười nhá. Cười cái cười khoe cả Tổ quốc ra, cười cái ngu dại của mình, cười để biết rằng chị sẽ ổn thôi. Như em đang cười cái vô tích sự của mình. Mỉa mai thay, thằng khôn nhất luôn luôn là thằng đau nhất. Và em chỉ là một phiên bản lỗi của cái trí óc ấy.