8/08/2013

Chuyện ở ... ké

Bài blog thứ nhất nhận được phản hồi là viết văn còn lủng củng, đề nghị sửa lại. Ừ thì cơ bản là đầu óc mình dạo này như ở trên mây đó, nghĩ gì viết đó, không thèm chỉnh sửa nên kết cấu chẳng có chút nào là liền mạch hết. Thôi, lần này chịu khó rút kinh nghiệm vậy. Mong mọi người thứ lỗi cho blog 1 nhá. Blog tiếp theo này mình tiếp nối về chuyện xã hội, nhưng ở khía cạnh của người đi ở nhờ.




Blog 2: Chuyện ở nhà… người ta

Ai đã từng đi ở ké người khác, ắt cũng hiểu được, chẳng phải dễ dàng gì. Ngày còn thơ bé, mình cũng đã từng qua ở nhờ nhà người bác để giảm ốm. Cơ mà ốm thật… ốm được một năm rồi mập lại. Mỗi nhà mỗi cảnh. Ngày xưa ở với ba mẹ, ăn cơm có khi còn làm nũng kêu ba xé thịt gà cho ăn, quần áo nhờ mẹ ủi, qua nhà người ta rồi, đồ phải giặt tay, ăn xong phải tự rửa chén, vận động nên phải xuống cân thôi. Ừ thì chuyện thường tình mà, ai chẳng thế phải không. Ở được chẳng bao lâu, gia đình thương quá, lại đón về, vỗ béo tiếp, riết rồi nghe đâu cũng ú nu lại. Đến là uổng công gia đình bác giúp ốm bớt.

Nhưng cũng hên, khi ở nhà bác mình, mình có gì sai trái, là người thân nên gia đình bác mình du di cho qua hết. Bây giờ lớn lên đi ở nhà người xa lạ, chuyện tha thứ thiệt tình khó nói lắm à nha.

Năm lớp mười, mình được cái học bổng trao đổi văn hóa, thế là tí tửng xin ba mẹ đi. Ba ngăn cản, sợ mất đứa con gái yêu cho cái xã hội văn minh nhưng cũng lắm cạm bẫy. Mẹ giấu ba, bấm bụng làm giấy tờ đưa con đi. Ngày ra phi trường, mọi người giấu ba, cứ hối thúc mình đi cho mau kẻo ba nghe tin, dằng về thì mất cả cơ hội bay với nhảy. Mình đi rồi, ai nấy khóc như mưa, bảo nhớ lắm, nhưng lúc ấy cũng lực bất tòng tăm. Thân con gái một mình giữa cái đất nước xa lạ, nhìn đâu đâu cũng toàn người Tây, có lúc thèm nghe tiếng Việt chảy nước mắt. Nói là nói vậy, cũng gặp người tốt, người ta giúp đỡ mình tận tình lắm, chả sai vặt gì nhiều vì mình thà… tự nguyện làm chứ không muốn bị kêu. Với lại, lúc ấy bơ vơ, chẳng biết bám víu vào ai, nhìn thấy chút thương hại của người ngoài, như người chết khô gặp chén nước mát, có ai mà không níu lấy chứ. Năm đó, vui nhiều nhưng buồn cũng nhiều. Người trong nhà còn có khi cãi cọ ỏm tỏi, huống gì là người ngoài, không chút ruột thịt, dù giọt máu đào có tuôn, dù lệ rơi có nhòa mắt, cũng chẳng hơn gì cái chén vỡ, tiếng mèo gào. Cũng may là năm đầu,  mình còn ngốc nghếch, chưa hiểu chuyện, nỗi buồn cũng chưa dai dẳng mấy.

Rồi năm hai, năm ba, cũng ở đó với người ta, mình quen với việc nhìn mặt đoán ý, chủ nhà mà không vui thì biến ngay, lăng xăng có khi lĩnh đạn oan uổng. Tính mình có khi cũng nóng nảy, dằn không được cơn giận, lỡ có chuyện gì cũng chưa đủ bản lĩnh để cắp dép ra khỏi nhà được. Hên là từ đó tới giờ, mình ít khi tỏ vẻ hỗn hào nên cũng chưa xảy ra nhiều chuyện, mặc dù chuyện bằng mặt nhưng lòng chẳng yên thì như cơm bữa. Lần đầu mình nhủ thầm thôi kệ, mình nhỏ, người ta lớn, hơn nữa, lớn đến tuổi bà ngoại mình lận, chịu khó tý cho êm nhà cửa. Lần hai, lần ba,… rồi lần thứ n, mình quen luôn với việc im lặng khi nghe người ta đá xoáy, quen luôn với việc … nghe tai này bỏ tai kia. Người ta điên lên, bảo là này thì không lễ phép, không nghe lời, này thì chống đối, dọa thẳng tay, chỉ thẳng mặt mình rằng một lần chọc tức nữa thì tao bỏ mày ở sân bay, liệu mà kiếm đường về, này là tao đây là nữ hoàng, mày chỉ là con tôm con tép, tao không vui thì mày cũng chẳng được quyền cười cợt. Riết rồi mình cũng chỉ biết cười trừ, coi như chuyện qua đường, vì lòng kiên nhẫn nay chỉ còn sự vô tâm, vô tâm đến mức ở cùng một nhà thì cũng chỉ xem người xa lạ, lâu lâu chịu khó làm mấy chuyện lặt vặt để người ta đừng gây sự vô cớ với mình là tốt rồi. Nhưng mà nói gì thì nói, hôm trước mình skype với người bạn thân, họ nói mắt mình giờ sâu hơn ngày xưa, nhìn u uất.



Sống thế đó, cuối cùng cũng chỉ vì đi ở nhà người ta, chẳng phải nhà mình. Đi xa rồi, ở với người lạ rồi, phải học làm cái này làm cái kia mua vui cho người mà mình không chung dòng máu, trong khi cha mẹ thì chưa phụng dưỡng được một ngày nào. Nói theo tiếng Tàu thì không tới mức đại nghịch bất đạo, nhưng cũng bất hiếu. Ngày xưa, có khi ba mẹ trách mắng, mình còn trả treo lại, ở với người ta, nói một câu phải suy nghĩ một câu, lỡ nói hớ một cái gì thì mất mặt là chuyện nhỏ, người ta chửi đổng là ba mẹ chẳng biết dạy con, nghe mà ê chề, nhục nhã biết bao nhiêu. Tránh được một lần, chẳng tránh được cả đời. Một ngày không làm sai thì dễ, nhưng ba năm trời, khó tránh chi lỡ lầm. Thêm nữa, dân gian hay có câu, "Một lời nói ra, xe lớn bốn ngựa đuổi không kịp" (“Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy”). Ai từng đi ở nhà người khác, chắc cũng hiểu nỗi lòng này.

Viết tới đây, bạn tinh ý cũng hiểu rằng ở nhờ ké người khác là chuyện bất đắc dĩ, vì ở đâu cũng chẳng hơn nhà mình. Còn được sống trong vòng tay ba mẹ yêu thương, bà con chòm xóm, thầy cô bạn bè, tất cả đều là những điều nên tự hào, đừng vì một phút nông nỗi mà cãi cha mắng mẹ để rồi tự ái dâng trào bỏ nhà mà đi nha. Mình đồng ý là đến tuổi lớn phải tự lo cho bản thân, phải đi đây đi đó để học hỏi, mở mang đầu óc, để thiên hạ không dèm pha là đồ não phẳng, đầu óc ngu si tứ chi phát triển, để có thể tự nắm bắt tương lai, sau này còn lo được cho bản thân, cho gia đình, NHƯNG trước khi đi, hãy nhớ một điều, gia đình luôn đứng sau bạn, dù ở nơi nào, bạn phải vững tin là mình còn một nơi để về. Cho dù thế gian có chuyện gì xảy ra, bạn là máu là thịt, và máu thịt thì luôn đặc hơn nước lã.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét