6/14/2013

Thư gửi mẹ



Cái này hơi off track một tý vì mẫu hậu yêu cầu có một lá thư gừi cho bà. Vậy nên, đọc nhá.














ngày 14 tháng 6 năm 2013


Thư gửi mẹ


“Con hặn mẹ!” Câu cửa miệng mà con hay nói mỗi khi mẹ chỉ cho con những cái hay mà khi lướt qua sự việc con đã vô tình bỏ quên.


Trong những câu chuyện mà mẹ kể cho con nghe, đa phần đều liên quan đến những người quen thuộc hay họ hàng, mẹ không bao giờ nói với con rằng họ đúng hay sai, nhưng mẹ yêu thích cái việc hỏi ngược lại để nghe xem con nghĩ gì. Con tìm thấy trong cái sở thích của mẹ có gì đó trẻ con, có gì đó châm chọc, và có gì đó mang tính cứng nhắc. Mẹ biết thừa trong đầu con nghĩ gì, bởi vì sự thật nghiệt ngã là con làm từ dòng máu của mẹ, và mẹ biết là càng trưởng thành, con càng có lối suy nghĩ giống mẹ. Chưa hoàn toàn là y đúc hẳn, nhưng có thể như thần giao cách cảm, cái gì người này nghĩ thì người kia cũng chầm chậm ra đáp án. Con biết mẹ muốn con phân tích lý do tại sao những câu hỏi ấy cường điệu, mỉa mai và ngờ nghệch, con sẵn lòng cho mẹ biết rằng vì con giống mẹ quá, con biết thừa mẹ đang nghĩ gì, mẹ chỉ đơn giản muốn con diễn đạt lên những gì đang diễn ra bên trong thần kinh mẹ thôi. Chẳng khác gì cái trò chơi của những đứa con nít. Mẹ bảo nói “hoa” đi con chỉ để trông chờ cái miệng bé xinh xắn ấy thốt lên “phong lan”. Trò chơi vô cùng dễ thương, nhưng quá đơn giản để mẹ và con, một lớn một bé, đùa giỡn.


Nói là nói thế, con không nỡ lòng nào phá hoại đi cái trò chơi ấy của mẹ, vì con biết khi trong lòng ngổn ngang với những sự việc không tên, với những câu chuyện không đầu không đũa, nói ra là một cách giải thoát. Và hiển nhiên, mẹ cũng muốn biết trình độ con tới đâu, nước Mỹ đã làm “bại hoại” con đến mức nào rồi. Có nhiều việc trước đây con không hiểu, nhưng du học đã 3 năm, xa gia đình cũng bấy lâu, con biết được có những điều mẹ không cần phải nói, nó ẩn kín sâu đâu đó đợi chời người ta nhận ra sự tồn tại, để rồi tan biến vào cõi vô hình.


Con hặn mẹ! Đơn giản vì con không đủ can đảm nói ra cái từ “hận” và cái từ “khâm phục” ẩn ý bên trong đó. Mặc dù mẹ không ở bên con, con cảm nhận được sự hiện diện của mẹ, rõ rệt như là đang theo dõi con vậy. Ánh nhìn hiền từ, nhưng vô cùng cẩn trọng. Nói thật nha mẹ, con sợ lắm, con sợ làm sai, con sợ phải nhìn mẹ buồn, con sợ phải chạm vào cái phần gai góc xù xì của mẹ, con sợ phải đối mặt với chính tội lỗi của mình. Con biết ngay cả bản án tử hình cũng không nặng nề bằng việc mẹ từ con. Mẹ đừng cười, đừng cười con ngốc nghếch, đừng cười con cường điệu hóa vấn đề. Con biết con có khả năng làm gì mẹ à, và con sợ cái khả năng đó lắm. Con không biết khi nào con sẽ sa ngã và khi nào con sẽ chạy đến níu lấy chân mẹ. Con sợ cái viễn cảnh đó, cái tương lai đó. Nói trắng ra một điều, con sợ thất bại.


Du học không phải dễ, nhưng cũng không khó. Hai năm đầu đối với con đã là quá khứ và sự nhớ nhà chỉ còn là, thành thật mà nói, một cảm xúc phai mờ. Con tìm đến nó khi con cô đơn, khi con nhận được những lời nhắc nhở vào dịp lễ, Tết. Nó bảo con rằng, “Na à, mày nhớ không? Hồi đó, khi đó, mày vui biết bao nhiêu!” Thế nhưng, ngày ấy trôi qua, con lại bắt đầu với công việc của mình, con lại la cà, con lại vô tâm, con lại quên đi mất bao nhiêu người đang trông ngóng và nhớ đến con. Lúc đó, cái tôi ích kỷ của con bảo rằng, “Mày biết là gia đình mày cũng chẳng phải đẹp đẽ mấy đúng không?” Con không đấu tranh xem con nên nghĩ thế nào, hành động thế nào, con cứ để mặc những sự việc xảy ra đó, và con biết, vết thương lòng của con mãi mãi không bao giờ lành được, vì con chấp nhận vết thẹo chứ không chịu xức thuốc đắng vô (nếu đối mặt là một chuyện dễ dàng thì chắc thế giới này đẹp lắm). Và khốn nạn thay, con biết mẹ cũng đang làm điều đó. Mẹ cứ để vết thương dày vò bản thân, để da non ngứa ngáy, để rồi mẹ đứng dậy và tạo nên hình ảnh của người anh hùng. Mẹ biết không, con “hặn” mẹ cũng vì điều đó. Rồi con nhận ra, con cũng đang làm vậy, và con tự hỏi, “Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra!” để rồi con đau đớn nhận ra sự thật rằng con và mẹ, hai thành phần của xã hội, đang bị nó chi phối.


Những ràng buộc, những bải giảng đạo đức, những nề nếp, những sự cố chấp của con người dìm ép tiếng nói của mẹ con mình, bắt ta phải im lặng, phải gánh chịu, phải đau khổ. Mẹ biết, ba năm ở xứ người chỉ để nhận ra rằng cái gia đình mình yêu quý, những người mà mình kính trọng, tất cả đều có chút gì bất bình thường trong đầu. Ngay cả con, cái đứa được trông chờ và hy vọng, lại là cái đứa bất bình thường nhất. Học thức là một cô nàng đẹp đẽ, nhưng càng biết nhiều, càng hiểu cô ta rõ, mẹ nhận ra rằng phiền muộn tăng lên chứ không giảm xuống. Tất cả mọi thứ trên đời là con dao hai mặt, đôi khi hiểu nó càng rõ, càng dễ coi thường và cắt đứt tay mình. Con học được điều này đó mẹ.


Mẹ này, con “hặn” mẹ thế, có khi nào mẹ “hặn” con không? “Hặn” vì con nhận ra được mặt trái của cuộc đời, “hặn” vì con không hoàn hảo, nhưng con 96% gần với sự hoàn hảo. Mẹ có “hặn” điều đó không?


Chúc mẹ vui khi suy nghĩ về điều này,


tl

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét